Đào Hoa Tiên Tử vốn là vỏ đao tu luyện lâu năm được Tây Trì Vương Mẫu triệu lên trời quản lý đào viên. Chu Công nguyên lai là giới đao, cũng tu luyện nhưng chưa thành chính quả nên sinh lòng bất mãn gây nhiều tội trạng, lại tự ý hạ phàm. Đào Hoa Tiên Tử liền lĩnh ngọc chỉ xuống trần bắt Chu Công…
Tương truyền rằng vào thời đại thượng cổ, lúc Huyền Vũ đại đế ở Tuyết Sơn tu đạo, từng dùng giới đao (đao của người tu hành, theo giới luật thì chỉ dùng để cắt đồ vật chứ không được dùng để sát sinh) mổ bụng rửa ruột, trong lúc hôn mê đã làm mất giới đao, sau đó dù được tiên nhân cứu độ nhưng cũng quên tìm giới đao trở về.
Về sau, Huyền Vũ đại đế lúc tu luyện tại động Nguyên Huyền, biết được đã đánh mất giới đao, liền đem vỏ đao để lại ở trong động Nguyên Huyền, dùng làm bảo vật trấn quốc.
Giới đao này vốn được Vua Thương ban cho Huyền Vũ, là như ý chân bảo, bởi vì được hun đúc từ tinh hoa nhật nguyệt trong trăm năm, giới đao tu thành dương thể, vỏ đao tu thành âm thể, mỗi vật tự hóa thành hình người. Giới đao bí mật tu luyện tại Đãng Ma Sơn, vỏ đao thì tu hành trong động Nguyên Huyền.
Mấy trăm năm sau, Tây Trì Vương Mẫu triệu vỏ đao lên trời quản lý đào viên, ban cho tên Đào Hoa Tiên Tử; giới đao kia chưa tu thành chính quả, sinh lòng bất mãn, ngấm ngầm làm loạn tại Đãng Ma Sơn, bởi vậy bị thiên binh thiên tướng bắt được để đợi hành quyết. Thái Thượng Lão Quân niệm tình ông ta không dễ dàng gì mà khổ tu cả ngàn năm, vì vậy đã ra mặt giải cứu, đưa ông ta đến Cung Đâu Suất làm đồng tử trông coi hộp quẻ.
Không ngờ, giới đao tính xấu không đổi đã đọc lén “Thiên cương chính quyết”, rồi lại một mình hạ phàm, đầu thai vào một gia đình chư hầu triều nhà Thương, đặt tên là Chu Càn, sau thăng quan đến chức Đại phu, cưới vợ là Phong thị.
Phụ Lục Bài Viết
- 1 Vì bắt Chu Công, Đào Hoa Tiên Tử xuống trần
- 2 Đào Hoa dùng diệu thuật cứu cô nhi
- 3 Bành Tổ cầu xin Đào Hoa Nữ chỉ dạy, Tinh Quân ban thưởng thọ trăm tuổi
- 4 Chu Công lập kế ác đón dâu, Đào Hoa Nữ tương kế tựu kế mà xuất giá
- 5 Đào Hoa Nữ xuất giá
- 6 Đào Hoa Nữ xuất giá, tục lệ kết hôn được lưu truyền
- 7 Thuật đoán quẻ của Chu Công linh nghiệm, Đào Hoa Nữ phá pháp thoát nạn một cách thần kỳ
- 8 Huyền Vũ Đại đế nói rõ nguyên do, giới đao và vỏ đao trở về vị trí cũ
Vì bắt Chu Công, Đào Hoa Tiên Tử xuống trần
Chu Càn mặt ngăm đen, trên mặt có hai đường chân mày hình kiếm, thuở nhỏ thường có Thần quang. Lúc bảy tuổi, trên trời có dị nhân ban thưởng cho ông ta Thiên Thư, từ đó về sau, Chu Càn vốn có tuệ căn liền biết được quá khứ tương lai, lại còn có thể mời thần gọi tiên và các loại đạo thuật cưỡi mây lướt gió.
Thái Thượng Lão Quân sau khi biết được đồng tử hạ phàm, lập tức khải tấu thượng đế, Đào Hoa Tiên Tử liền lĩnh ngọc chỉ hạ phàm bắt Chu Càn, đầu thai vào nhà Nhậm Thái Công. Vợ chồng Nhậm Thái Công từng mơ thấy mây ngũ sắc đầy trời, từ trong mây có một tiên nữ giáng hạ, trong tay phân phát những hoa đào rực rỡ, không đến ba ngày sau đã sinh hạ một con gái, từ đó mà gọi tên là Đào Hoa.
Lúc Nhậm Đào Hoa 5 tuổi đang chơi đùa cùng các nha hoàn, thì gặp được một vị đạo sĩ đi khất thực, cho nàng ba cuốn Thiên Thư, còn cho nàng ăn một viên đan dược, thế là Đào Hoa có thể đọc được chữ. Mỗi đêm trong mộng, đạo sĩ đều đến chỉ bảo Đào Hoa, để cô vui vẻ học tiên thuật, chưa đầy một năm, nàng liền học xong Thiên Thư. Nhậm Đào Hoa vốn yêu hoa đào, cho nên Nhậm Thái Công trồng mấy trăm gốc cây đào ngay tại hậu viên, để sớm chiều thưởng ngoạn cùng Đào Hoa.
Chu Càn và Nhậm Đào Hoa tuy rằng lần lượt hạ phàm, nhưng một khắc ở trên trời thì ở nhân gian đã qua mấy mùa thu, Chu Càn hạ phàm trước Nhậm Đào Hoa một, hai thời thần, nên về tuổi tác lớn hơn Nhậm Đào Hoa mấy mươi tuổi.
Sau khi Chu Càn lớn lên kế tục chức vụ của cha, người trong thiên hạ cũng gọi ông là Chu Công. Ông thấy Thương Vương bạo ngược vô đạo, thế là từ quan dẫn theo gia nhân Bành Tiễn tìm một nơi yên tĩnh ẩn cư, sau này xem bói trên phố, chỉ ra những sai lầm của người thường.
Đào Hoa dùng diệu thuật cứu cô nhi
Bởi vì Chu Công đoán quẻ như thần, người xem bói trên phố đông như trẩy hội, mỗi ngày Chu Công tính toán xong mười quẻ thì đóng cửa, mặc kệ bên ngoài còn có người muốn xem bói.
Một ngày nọ, bà Thạch là một quả phụ đồng hương, có chồng mất sớm, chỉ có một đứa con trai tên Thạch Tông Phụ. Bởi vì gia cảnh nghèo khó, chỉ tích trữ được chút ít ngân lượng cho con trai ra ngoài buôn bán, ai ngờ lâu rồi vẫn không thấy trở về, thế là đến gặp Chu Công hỏi xem bói.
Chu Công phán rằng đêm đó vào canh ba, Thạch Tông Phụ sẽ chết tại một căn hầm đổ nát ở bên ngoài thành. Bà Thạch cầu khẩn Chu Công giải cứu, nhưng Chu Công tỏ ý đây là số mệnh đã định, không cách nào cứu vãn. Bà Thạch nghe Chu Công nói như vậy, đau buồn mà khóc một mạch về nhà. Tiếng khóc của bà Thạch thật thê thảm, khiến cho cả nhà Nhậm gia ở bên cạnh đều đến thăm hỏi.
Sau khi Nhậm Đào Hoa hỏi rõ ngọn nguồn sự việc, nàng tính ra số mệnh Thạch Tông Phụ chưa đến đường cùng, bèn nói với bà Thạch: “Bà ơi, bà hãy nhớ kỹ, đêm nay vào lúc canh ba, bà ngồi ngược ở chỗ bậc cửa, làm rối tung bộ tóc, lấy cái thìa lớn gõ lên cửa ba tiếng, gọi ba lần ‘Thạch Tông Phụ’, anh ta sẽ không chết được”.
Đào Hoa Nữ dạy cho bà Thạch cách giải cứu bí mật này, còn yêu cầu bà không được nói với người khác là mình đã cứu Thạch Tông Phụ, đề phòng kết thù oán với Chu Công. Bà Thạch nghe xong lời của Đào Hoa Nữ, bán tín bán nghi, nghĩ thầm cũng không có biện pháp nào khác, thế thì cứ làm vậy!
Đêm đó vào lúc canh ba, bà Thạch quả thật dựa theo lời của Đào Hoa Nữ mà làm. Thạch Tông Phụ, tuy rằng bị trễ ngày về, nhưng việc buôn bán ở phía nam thu lợi gấp mười lần, rất vui vẻ mà chuẩn bị về nhà thăm mẹ. Bởi vì tranh thủ về nhà nên Tông Phụ bị lỡ nhà trọ, trời lại tối mà gặp phải mưa gió, trong tình huống xung quanh không có thôn quán nào, chỉ còn cách núp tạm vào một nhà hầm đổ nát ở phía trước.
Tông Phụ dự định ở trong hầm lò nghỉ ngơi một đêm, sáng mai lại về nhà. Đột nhiên anh ta nghe thấy có người gọi “Thạch Tông Phụ”, “Thạch Tông Phụ”, “Thạch Tông Phụ”. Thạch Tông Phụ hết sức kinh ngạc, lập tức lao ra khỏi hầm lò để tìm hiểu xem thế nào, không ngờ vừa xoay người đi thì hầm lò đã sụp đổ rồi. Thạch Tông Phụ quả thật bình an trở về nhà, mẫu tử đoàn tụ, thần cơ diệu toán của Đào Hoa Nữ cũng đã phá vỡ tính toán bát quái vốn rất chuẩn xác của Chu Công.
Bành Tổ cầu xin Đào Hoa Nữ chỉ dạy, Tinh Quân ban thưởng thọ trăm tuổi
Sau đó không lâu, Chu Công tính toán thấy Bành Tiễn trong khoảng ba ngày nữa sẽ thổ huyết mà chết. Chu Công niệm tình anh ta phục vụ mình nhiều năm, đã tặng cho Bành Tiễn một chút bạc, mua cho anh ta chút ít rượu và thức ăn để từ biệt cùng thân hữu, cũng chuẩn bị lo hậu sự cho mình.
Bành Tiễn đáng thương biết rõ ngày chết đã gần kề, một mình đau buồn mà đi lại trên phố, lại trùng hợp gặp Thạch Tông Phụ. Bành Tiễn đột nhiên nghĩ đến việc trước đây Thạch Tông Phụ đáng lẽ chết nhưng lại không chết, Chu Công từng nói trong đó tất có nguyên nhân. Vì vậy Bành Tiễn mua chút ít rượu và thức ăn đi theo Tông Phụ về nhà, trong sự khẩn cầu của Bành Tiễn, bà Thạch chỉ dẫn anh ta đến trước nhà Nhậm gia.
Bành Tiễn cùng Nhâm Thái Công trước đây có kết giao, Nhậm phu nhân vì không có con trai, xưa nay vẫn rất quý mến Bành Tiễn, sau khi hiểu rõ tình huống, Nhậm phu nhân muốn Đào Hoa nghĩ cách giải cứu anh ta.
Đào Hoa Nữ nói với Bành Tiễn: “Anh hãy nghe thật kỹ. Bây giờ anh vào trong thành nơi miếu Tam Quan có hương khói dày đặc mà đợi, em tính toán đêm nay Tinh Quan sao Bắc Đẩu hạ phàm vào trong miếu này để tuần tra xem sự tình thiện ác ở nhân gian, ghi chú luân hồi ở nhân gian, anh phải tắm rửa thay quần áo, chuẩn bị bảy phần nhang, hoa, trái cây, đèn sáng, nước sạch để cống dưỡng.
Đợi đến lúc nửa đêm vào lúc canh ba, khi bảy Tinh Quan hạ phàm, sẽ tiếp nhận nhang, hoa, trái cây, đèn sáng, nước sạch của anh. Anh có thể đợi dưới bàn thờ, đợi lúc Tinh Quan sắp rời đi, anh sẽ nhảy ra, đừng sợ hãi, nhanh chóng giữ lại bất kỳ một vị nào. Tinh Quan sẽ giật mình, hỏi anh có phải cầu công danh lợi lộc không? Anh sẽ nói ‘Không phải’; sau cùng ông sẽ hỏi anh: ‘Công danh lợi lộc anh đều không xin, vậy rốt cuộc anh xin cái gì?’. Anh sẽ nói muốn xin chút ít tuổi thọ. Như vậy, có thể bảo vệ anh không phải chết vào trưa mai rồi!”.
Bành Tiễn đồng ý lời dặn dò “Thiên cơ bất khả lộ” của Đào Hoa, vô cùng vui vẻ trở về nhà chuẩn bị. Đêm đó, Bành Tiễn theo như lời của Đào Hoa, cẩn thận làm theo và đã tránh được kiếp nạn này một cách thuận lợi.
Bảy vị tinh quân ban thưởng anh dương thọ 100 tuổi, Tả Phụ, Hữu Bật Tinh quân mỗi vị tặng thêm anh 50 tuổi, tổng cộng anh có thể sống 850 mươi tuổi, còn sửa tên anh thành Bành Tổ. Tinh quân cũng lại cho anh ăn một viên đan dược, có thể giúp anh thoát thai hoán cốt, không sinh bệnh để hưởng lấy phúc lộc đó.
Bành Tiễn chính là Bành Tổ, người có thể sống ở nhân gian hơn 800 tuổi. Sau này, người Trung Quốc lấy biểu tượng Tam Tinh “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” Bành Tổ đã dùng làm đại biểu cho “Thọ tinh”.
Chu Công liên tiếp 2 lần bói toán mất linh, dưới cơn thịnh nộ đã kêu người ra sức đánh Bành Tiễn, buộc anh ta nói ra người giải cứu mình, Bành Tiễn không hề mở miệng, cho đến khi Chu Công dùng kiếm ép hỏi lần nữa, Bành Tiễn nhát gan không chịu nổi mà khai ra là do Đào Hoa Nữ giúp.
Chu Công lập kế ác đón dâu, Đào Hoa Nữ tương kế tựu kế mà xuất giá
Liên tiếp hai lần bị Đào Hoa phá pháp, Chu Công không chỉ bồi thường ngân lượng, còn phải tháo biển hiệu chữ vàng của mình xuống. Chu Công hổ thẹn tức giận, nghĩ ra một kế độc muốn trả thù Đào Hoa, nhằm tiêu đi mối hận trong lòng.
Vì vậy, Chu Công phái gia đinh đến tìm một viên quan họ Tưởng, nói dối là cầu hôn cho con trai, ba ngày sau muốn cưới Nhậm Đào Hoa làm dâu. Vì Chu Công tính toán được ba ngày sau có Hung thần giáng xuống, ông ta muốn Đào Hoa vừa xuống kiệu thì mất mạng.
Đào Hoa Nữ biết rõ kế ác của Chu Công. Vì bắt Chu Công, Đào Hoa Nữ vui vẻ xuất giá, tương kế tựu kế, gặp thủ đoạn nào phá ngay tại chỗ, phải phá giải từng cái hung thuật của Chu Công. Đồng thời cũng truyền lưu ra tục lệ truyền thống kết hôn Ngũ hoa bát môn.
Trích từ “Đào Hoa Nữ âm dương đấu truyện” đời Thanh và “Đào Hoa Nữ phá pháp giá Chu Công” đời Nguyên.
Đào Hoa Tiên Tử vốn là vỏ đao tu luyện lâu năm được Tây Trì Vương Mẫu triệu lên trời quản lý đào viên. Chu Công nguyên lai là giới đao, cũng tu luyện nhưng chưa thành chính quả sinh lòng bất mãn gây nhiều tội trạng, lại tự ý hạ phàm. Đào Hoa Tiên Tử liền lĩnh ngọc chỉ xuống trần bắt Chu Công…
Đào Hoa Nữ xuất giá
Đào Hoa Nữ chính là Tiên Tử giáng sinh, trong lòng hiểu rõ quá khứ và tương lai, cô biết rõ Chu Công vốn không có con trai, chỉ muốn lợi dụng quỷ kế đón dâu để hãm hại mình, Đào Hoa Nữ cũng biết bản thân phụng mệnh hạ phàm, mục đích xuống đây là phá pháp của Chu Công, thế là tương kế tựu kế đồng ý hôn sự này.
Đêm trước ngày đón dâu, Chu Công ngồi một mình ở thư phòng bấm ngón tay tính toán phương vị mà hung thần giáng xuống, thì biết sao Tứ Tuyệt, Tứ Diệt ở Đông Bắc, Khốc Tang ở Bắc, Thiên La, Địa Võng ở Đông, Đấu Mộc Ngạn, Quỷ Kim Dương, Mão Nhật Thố, Tinh Nhật Mã ở góc Đông Bắc. Lúc này Chu Công rất đắc ý, nghĩ thầm không còn nghi ngờ gì Đào Hoa Nữ hẳn phải chết.
Vì “Bắc Đẩu Thần Sách” của Chu Công chỉ có pháp bói toán, không có tác dụng phá giải, nên để tránh Đào Hoa Nữ tìm cách phá giải, Chu Công rất cẩn thận mà lập án làm pháp thêm lần nữa, mời bốn vị thần Hắc Sát Thiên Tướng, Tang Môn Chính Thần, Điếu Khách Tôn Thần, Bạch Hổ Thần tương trợ, phân ra tại các thời điểm Đào Hoa Nữ lên kiệu, xuống kiệu nhập môn và vào động phòng mà sát hại Đào Hoa Nữ.
Đào Hoa Nữ xuất giá, tục lệ kết hôn được lưu truyền
Đạo pháp của Đào Hoa Nữ so với Chu Công có cao hơn chút, cô biết rõ Chu Công tuyển chọn thời điểm hung thần ác sát, đến mưu hại tính mạng của cô, mục đích là vì trả thù cô đã phá pháp của ông ta. Đào Hoa Nữ quyết định binh tới thì tướng đỡ, nước tới thì đắp đất chặn, cô sớm đã an bài đạo pháp phá giải cho thỏa đáng, mặc cho Chu Công tính toán thế nào, cũng không thoát khỏi lòng bàn tay của cô.
Ngày kết hôn, bà mối đang định vào cửa nâng Đào Hoa Nữ lên kiệu hoa, đột nhiên cô nói: “Chờ một chút, ra ngoài vào lúc này, đúng lúc xúc phạm Nhật Thần, lại xúc phạm Kim Thần Thất Sát, cùng lúc gặp hai họa ác sát như vậy, Đào Hoa Nữ ta không chết cũng nửa chừng mất mạng! Thạch tiểu ca, xin giúp ta đem mũ Hoa Phụng đến, đợi sau khi ta đeo lên, lại lấy cái sàng gạo tới, mời anh đi phía trước ta, lấy cái sàng gạo che lên đỉnh đầu của ta”. Thạch Tông Phụ làm theo như vậy.
Bởi vì ngày hôm đó, du thần tai họa ở bốn hướng, mà trên sàng gạo có lưới với cả ngàn lỗ, tượng trưng cho ngàn con mắt có thể đuổi quỷ tránh tà; trên mũ Hoa Phụng có ánh sáng và khí của châu bảo, giúp tránh khỏi bị họa sát thân do Kim thần. Vì vậy, đây chính là nguồn gốc của tục lệ được lưu truyền từ thời cổ, khi kết hôn cô dâu đều đội mũ Hoa Phụng và dùng sàng gạo che trên đỉnh đầu.
Đào Hoa Nữ lại tính ra sau khi lên kiệu, vào lúc khởi kiệu vừa ngay lúc xông phải Thái Tuế, cho nên sau khi cô lên kiệu, không cho phép kiệu hoa đi lên phía trước, mà cho cỗ kiệu đi ngược lại ba bước, từ trong tay áo cô lấy ra một chiếc khăn tay đỏ, đội lên đầu, che khuất toàn bộ đồ trang sức, tránh sát khí của Thái Tuế. Cho nên, sau này theo hôn lễ truyền thống, tân nương tử phải dùng khăn đỏ bao trùm đồ trang sức, chính là vì tránh sát khí của Thái Tuế .
Vừa đến nhà Chu, lúc bà mối vừa muốn đưa tân nương xuống kiệu, Đào Hoa Nữ bỗng nhiên nói: “Đợi đã, hôm nay là ngày hắc đạo, nếu người mới bước xuống mặt đất, sẽ lập tức bị đột tử. Thạch tiểu ca, xin anh giúp ta lấy hai cái chiếu sạch, trải phía trước cỗ kiệu, mỗi chân ta sẽ bước trên một chiếc chiếu, đi một bước xin anh đem chiếu tiến về trước một bước”.
Đào Hoa Nữ làm vậy là để che phủ hắc đạo trên mặt đất, cũng muốn tránh đi sát khí, thế là lợi dụng chiếu sạch, đem hắc đạo đổi thành ngày tốt hoàng đạo. Sau này nghi thức mà Đào Hoa Nữ dùng đã được diễn biến thành dùng thảm đỏ thay thế, vào ngày kết hôn, tân nương sẽ bước lên thảm đỏ.
Sau khi xuống kiệu hoa, bà mối tiếp tục đón lấy và muốn vịn tân nương vào cửa, Đào Hoa Nữ còn nói: “Đợi đã! Hôm nay là ngày trực của Tinh Nhật Mã, nếu như ta bước qua bậc thềm của cửa lớn này, vừa lúc làm bị thương lưng của Tinh Nhật Mã, ngựa nhất định sẽ chạy nhảy loạn lên, đá tới đá lui, chẳng phải lấy đi cái mạng nhỏ của ta? Thạch tiểu ca, xin anh mang một bộ yên ngựa tới đây, khoác lên phía trên thềm cửa”.
Thì ra, Đào Hoa Nữ biết Tinh Nhật Mã đang trực, để không làm tổn thương lưng nó, nàng bố trí một cái yên nặng ở trên thềm cửa, để trấn an nó, để mình có thể bình yên vô sự vượt qua cánh cửa.
Tiếp theo, bà mối muốn mời tân nương tử vào vườn nhà. Đào Hoa Nữ nói: “Chờ một chút, sắp sửa là lúc trực của hai vị Quỷ Kim Dương, Mão Nhật Kê, nếu như lúc này ta bước vào cái sân nhỏ này, nhất định gặp nạn. Thạch tiểu ca, xin mang tới một cái gương, làm kính chiếu yêu, lại lấy cỏ vụn, hạt gạo và đồng tiền ngũ sắc đã nhuốm màu, chờ mỗi khi ta đi một bước, anh hãy vung ra một lần”.
Đào Hoa Nữ thông minh, dùng cỏ nuôi dê (“Quỷ Kim Dương”), dùng gạo nuôi gà (“Mão Nhật Kê”), mà đồng tiền ngũ sắc là để cho trẻ con ra nhặt, khiến chúng ồn ào náo nhiệt, tranh nhau như đùa giỡn, như thế tránh được hai vị sát tinh này, để cho chính mình thừa lúc ồn ào mà bình an đi về hướng sảnh lớn. Đây cũng là nguồn gốc lưu truyền của tục lệ rải gạo sau này, đồng tiền ngũ sắc sau này dùng kẹo thay thế.
Đào Hoa Nữ bước vào sảnh lớn, bà mối đón lấy và mời nàng bước vào cánh cửa thứ ba. Đào Hoa Nữ lại nói: “Khoan đã! Tầng cửa thứ ba này đúng là Tang Môn, Điếu Khách đang trực, những sát thần này không thể phạm được. Thạch tiểu ca, phiền anh lấy cái cung tên kia, đợi lúc ta bước vào tầng cửa thứ ba này, giúp ta bắn ba mũi tên lên không trung”.
Thì ra, hôm đó chính là phạm phải Tang Môn, Điếu Khách, giải pháp của Đào Hoa Nữ là kéo cung bắn tên, chiếc cung khi kéo ra cũng giống như vòm cong của Mặt trăng, mũi tên phát ra ngoài giống như sao băng, dùng cách này mà tránh tai họa.
Chu Công tận mắt chứng kiến hung thần tà yêu mà chính mình thiết lập, từng cái đều bị Đào Hoa Nữ phá giải, đã sớm tức giận tột cùng. Lúc này bà mối lại hướng về phía ông ta mà hỏi tân lang để bái đường, Chu Công hốt hoảng chưa chuẩn bị gì, tình thế cấp bách đành phải gọi con gái Thiên Hương ra làm tân lang thay thế.
Bà mối nói với Đào Hoa Nữ, Chu Công nói hôm nay không phải ngày lành, tân lang không thích hợp gặp mặt tân nương, để em gái của tân lang là Thiên Hương cùng Đào Hoa giao bái, cùng làm tân nhân, vào phòng ngồi. Đào Hoa Nữ mừng thầm trong lòng, vừa hợp lại đưa Thiên Hương làm thế thân, không cần hao tâm tổn trí đi tìm người.
Thiên Hương cùng tân nương sau khi bái thiên địa và Chu Công, liền cùng nhau vào động phòng. Đào Hoa Nữ thầm nghĩ: “Lúc này đi vào phòng ngủ, cái giường này đang ở trên đầu của Bạch Hổ, bên ngoài cổ nhạc ầm ĩ, làm kinh động Bạch Hổ, mạng nhỏ của ta khó có thể giữ được!”. Thế là Đào Hoa Nữ để Thiên Hương đi ngồi trước. Sau khi nhún nhường nhau một hồi, Thiên Hương vốn không biết chỗ ngồi phương hướng lợi hại thế nào, liền thuận theo ý Đào Hoa, ngồi ở đầu giường.
Lúc này sảnh lớn truyền ra tiếng cổ nhạc ầm ĩ, tiếp đó Thiên Hương liền đột nhiên ngã xuống, không một âm thanh mà chết bất đắc kỳ tử. Đó là ác báo của Chu Công hại người hại mình, khiến cho ái nữ chết dưới hung thần Bạch Hổ. May mắn Đào Hoa Nữ muốn làm thức tỉnh Chu Công, bèn thi hành pháp thuật cứu sống Thiên Hương, hai người vì vậy mà đối đãi lẫn nhau như tỷ muội.
Thuật đoán quẻ của Chu Công linh nghiệm, Đào Hoa Nữ phá pháp thoát nạn một cách thần kỳ
Thiên Hương tuy được Đào Hoa Nữ cứu sống rồi, nhưng đạo thuật của Chu Công thực sự thua triệt để, Chu Công một chút cũng không cảm kích Đào Hoa Nữ, ông ta vừa xấu hổ lại vừa căm phẫn. Vì giải hận báo thù, Chu Công lại sử dụng “Bắc Đẩu thần sách” suy tính ra pháp “Hắc khuyển trấn áp”, muốn đặt Đào Hoa Nữ vào chỗ chết.
Chu Công hành sự theo thuật pháp, trước tiên lệnh cho người hầu đi mua một con chó cái màu đen, đặt ở vườn sau chuẩn bị; lại gọi người không biết tình lý là Bành Tiễn ra hậu viên của Nhậm gia, tìm một cây đào đã thối rữa, chặt một cành đào ở hướng Nam đem về phủ.
Sau khi chuẩn bị đồ vật đầy đủ, Chu Công sai người bày biện hương án, có hoa, trái cây, hương nến, đem cành đào đã bị chặt dùng chu sa viết lên đó bát tự của Đào Hoa Nữ, dùng giấy vàng gói kỹ, thắt lên người của chó cái màu đen; lại lấy cành đào đánh một vòng tròn ở ngoài thân của chó cái, lại lấy cành đào vẽ bảy đường linh phù, tự mình treo lên thân của chó cái ở trên vòng tròn.
Sau cùng, Chu Công bấm niệm pháp quyết trong tay, miệng đọc chú ngữ, lần lượt niệm bảy lượt, lại bóc linh phù xuống đốt đi, cành đào được viết lên bát tự cũng bị dỡ xuống, toàn bộ đem đốt đi, sau đó lập tức đánh chết chó cái, lệnh cho gia đinh đem chó cái chôn theo hướng chính Nam ở sau vườn. Hết thảy an bài thỏa đáng, Chu Công cười ha ha, cho rằng Đào Hoa Nữ lần này không nghi ngờ gì mà phải chết.
Vào thời khắc đó, Đào Hoa Nữ ngồi một mình trong phòng đột nhiên cảm thấy hãi hùng khiếp vía, mồ hôi đầm đìa, cô tính toán biết rõ Chu Công hãm hại. Thế là cô liền gọi Bành Tiễn đến bàn bạc, nói cho anh ta biết Chu Công dùng cành đào chặt đứt mệnh tinh của mình, hy vọng Bành Tiễn giúp đỡ, giúp cô thoát kiếp nạn này. Bành Tiễn đương nhiên không thể thoái thác đã đồng ý.
Đào Hoa Nữ nói với Bành Tiễn: “Sau khi ta chết nếu như ngửi thấy mùi thơm, anh hãy chuẩn bị một cây gậy gỗ đào, gõ vào cửa lớn, kêu to: “Đào Hoa Nữ nhanh tỉnh lại, không thể chậm trễ!”. Nói xong, Đào Hoa Nữ thét to một tiếng rồi ngã xuống đất, thân mềm như bông, không còn dấu hiệu hít thở. Chu Công biết được Đào Hoa Nữ đã chết, cực kỳ vui mừng nói: “Đào Hoa Nữ ngươi thật là chết chưa hết tội! Ai kêu ngươi năm lần bảy lượt phá hoại việc của ta, làm hỏng chiêu bài của ta”.
Chu Công mua quan tài đến để thu dọn thi thể, đặt ở bên cửa đại sảnh. Chu Công nhẫn tâm muốn diệt cỏ tận gốc, ông ta muốn Đào Hoa Nữ hóa thành tro tàn, để mình được nhàn nhã về sau. Chu Công chuẩn bị củi lửa thật tốt, muốn châm lửa đốt Đào Hoa Nữ, người nhà họ Chu rất kinh ngạc với hành động này của Chu Công, bèn khuyên ông suy tính lại, nếu không cẩn thận, sợ làm liên lụy hàng xóm xung quanh.
Lúc này, Bành Tiễn ngửi được một mùi thơm cũng vội vàng đi tới cạnh cửa, anh ta lập tức dùng cây gậy gỗ đào gõ liên tục lên cửa, lớn tiếng hô hào: “Đào Hoa Nữ nhanh tỉnh lại, không được chậm trễ!”. Đào Hoa Nữ lập tức từ trong quan tài bừng tỉnh, Chu Công cũng bị giật bắn mình, nhưng ông ta lập tức hoàn hồn, cầm bảo kiếm trong tay bổ về phía Đào Hoa Nữ, lúc này Bành Tiễn cũng thuận tay ném cây gậy gỗ đào cho Đào Hoa Nữ.
Đào Hoa Nữ thần thông khó đoán, nàng niệm thần chú chỉ một gậy đã đánh Chu Công ngã xuống đất, mặt ông ta tím lại, môi xanh xao, trong miệng đã không còn dấu hiệu thở. Lúc này tiểu thư Thiên Hương chạy ra, quỳ trên mặt đất cầu xin Đào Hoa Nữ: “Đào Hoa tỷ tỷ xin hãy từ bi mà cứu lấy cha ta!”. Mọi người trong nhà họ Chu cũng cùng quỳ xuống một chỗ cầu xin Đào Hoa Nữ.
Đào Hoa Nữ thấy mọi người vì Chu Công mà cầu khẩn, không đành lòng đành phải đồng ý cứu ông ta, nàng mỉm cười nói với Bành Tiễn: “Anh làm theo cách lúc nãy cứu ta, nhưng chỉ cần kêu một tiếng ‘giới đao’ là được, ông ta sẽ sống lại thôi”. Bành Tiễn theo lời Đào Hoa Nữ mà làm, chỉ hô một tiếng “Giới đao”, Chu Công nghiêng người ngồi dậy.
Chu Công tỉnh lại không hề hối hận, Đào Hoa Nữ rất tức giận nói: “Con người ông thật sự là đáng giận, uổng phí con gái cầu xin thay cho ông”. Thế là hai người lại khai hỏa chiến, từ cửa lớn đấu đến sân vườn, nhưng bởi vì chỗ này nhỏ hẹp, không cách nào thi triển pháp lực, hai người bèn bay vút lên trên mây, đánh tới lui không ngừng nghỉ.
Huyền Vũ Đại đế nói rõ nguyên do, giới đao và vỏ đao trở về vị trí cũ
Chu Công, Đào Hoa Nữ thi triển bản lĩnh, đấu đến long trời lở đất, sớm đã kinh động đến Tuần Thiên Ngự Sử, thế là ông ta vội vàng đi bẩm báo Huyền Vũ Đại đế ở phương Bắc. Huyền Vũ Đại đế dùng tuệ nhãn xem xét, đã biết chân tướng, lập tức phái hai tướng Quy (rùa), Xà (rắn) nhanh chóng dẫn hai người đến.
Không lâu sau, hai người liền theo hai tướng Quy, Xà hộ tống đến yết kiến Huyền Vũ Đại đế và quỳ xuống. Huyền Vũ Đại đế liền nói ra nguyên do: Chu Càn chính là Như Ý giới đao biến thành, tại Đâu Suất Cung làm đồng tử xem quẻ hộp, bởi vì không tuân thủ giới luật, một mình hạ phàm, liên lụy Đào Hoa Nữ phải xuống trần đuổi bắt; Đào Hoa chính là Như Ý vỏ đao. Nói xong, Huyền Vũ Đại đế lại để cho hai người ăn kim đan, cũng khuyên bảo hai người bản tính vốn giống nhau, ngày sau nếu như trong lòng còn nghi kỵ nhau, sẽ hóa thành máu mủ.
Cuối cùng, Huyền Vũ Đại đế đưa hai người đến núi Võ Đang trở thành hai vị nguyên soái Chu, Đào. Dân chúng đến đây thăm viếng kim thân của hai vị nguyên soái, chỉ cảm thấy dung nhan so với lúc còn sống không có gì khác biệt, từ đó lan truyền ra, mọi người cảm thấy kỳ lạ. Văn võ bá quan đương triều không người nào không đến chiêm ngưỡng và triều bái.
Tiểu thư Thiên Hương họ Chu cùng người nhà họ Nhậm đều biết rõ hai người đã thăng thiên thành Thần, tuy rằng đau buồn nhưng lại mừng thay cho hai người. Công việc nhà của Chu Công giao cho Bành Tiễn quản lý; mà hai vợ chồng Nhậm Gia cũng xem Thiên Hương dung mạo như Đào Hoa, xem cô như con gái, cả gia đình sống vui vẻ và an lạc.
(Trích từ “Đào Hoa Nữ âm dương đấu truyện” đời Thanh và “Đào Hoa Nữ phá pháp giá Chu Công” đời Nguyên)